top-header-banner
19/10/2021 07:10:51 (GMT+7)

9 Bí quyết tự bảo dưỡng xế yêu ngay tại nhà

Nhu cầu sử dụng xe ô tô ngày càng tăng và thường xuyên, vì thế việc kiểm tra định kỳ các bộ phận trên xe ô tô là thực sự cần thiết để đảm bảo được tính vận hành ổn định cũng như đảm bảo được giá trị xe. Ô Tô Hoàng Kim xin tặng bạn 9 bí quyết để giúp xe của bạn lúc nào cũng trông như mới và đảm bảo máy được tính vận hành ổn định.

1. Kiểm tra khoang động cơ

Khoang máy ô tô qua thời gian dài sử dụng có thể dễ bị bám dầu nhớt, bụi bẩn làm phần động cơ không thể tỏa nhiệt được, những sợi dây dẫn thậm chí còn có thể bị đứt do quá nóng, gây ra chập điện, cháy nổ. Khoang máy dơ bẩn còn là môi trường lý tưởng cho chuột bọ trú ẩn, gây ra ảnh hưởng lớn đến với động cơ xe của bạn.

Việc kiểm tra khoang động cơ thường xuyên là thực sự cần thiết để xem tình trạng hoạt động của hệ thống, có dấu hiệu rò rỉ dầu nhớt, bụi bám hay không, chuột bọ có cắn phá dây điện hay không,...Thường xuyên vệ sinh các chi tiết động cơ, các hộp role cầu chì, đảm bảo được sự vận hành ổn định của máy phát, bình ắc - quy, hệ thống điện,...

9 Bí quyết tự bảo dưỡng xế yêu ngay tại nhà

Thường xuyên kiểm tra khoang động cơ để đảm bảo tình trạng hoạt động của hệ thống

Chúng ta hoàn toàn có thể vệ sinh khoang động cơ ô tô ngay tại nhà bằng các bước đơn giản sau:

Bước 1: Mở nắp Capo để từ 15-20 phút để giải nhiệt, tuyệt đối không tiến hành vệ sinh khi khoang máy còn đang nóng vì các chi tiết trong khoang máy sẽ bị ảnh hưởng nếu như thay đổi nhiệt độ đột ngột. Loại bỏ các mảnh vụn, rác thải bám vào khoang động cơ.

Bước 2: Dùng bọc nilon che chắn các mạch điện và các thiết bị điện tử, kiểm tra nắp che chắn bình ắc quy, dùng khăn sạch hoặc túi nilon để bịt cổ hút gió để tránh trường hợp nước rò rỉ vào gây hư hỏng. Dùng băng keo chuyên dụng để che chắn các mạch điện.

Bước 3: Xịt dung dịch vệ sinh lên các khu vực trong khoang máy và để từ 3-5 phút cho dung dịch tan đều hòa tan dầu mỡ, bụi bẩn sau đó dùng bàn chải, chổi vệ sinh chuyên dụng để làm sạch sâu các vết bẩn. Không nên dùng xà bông giặt hay nước rửa chén để vệ sinh khoang máy mà nên dùng các dung dịch chuyên dụng để hạn chế tình trạng gỉ sét ăn mòn các chi tiết khoang máy. Một số dung dịch chuyên dụng có thể kể đến như các dòng sản phẩm của 3M, Black Magic,...

Bước 4: Sau khi đã lau sạch khoang máy bằng các dung dịch chuyên dụng thì dùng vòi xịt nước để xịt rửa, làm sạch khoang động cơ.

Bước 5: Dùng khăn mềm lau khô các chi tiết khoang máy, chú ý lau khô giắc cắm, các bộ phận điện tử,...

Bước 6: Sau khi hoàn thành việc vệ sinh bắt đầu tháo gỡ băng keo, túi nilon bọc các mạch điện, cổ hút gió, kiểm tra xem còn vật dụng nào còn sót trong khoang máy không rồi đóng nắp che chắn động cơ, đóng nắp capo và khởi động xe để kiểm tra, đảm bảo xe hoạt động bình thường.

Thực tế không có một quy chuẩn nào trong việc đưa ra thời gian bao lâu phải vệ sinh khoang máy, mà nó còn tùy thuộc vào từng khu vực sống cũng như tần suất sử dụng xe của bạn. Đối với những xế hộp có tần suất sử dụng thường xuyên, thời gian lý tưởng được đưa ra là từ 3-6 tháng để đảm bảo được tính vận hành của khoang máy ô tô.

2. Kiểm tra hệ thống phanh

Hệ thống phanh là một bộ phận rất quan trọng với ô tô, nên phải được kiểm tra định kỳ để đảm bảo an toàn cho người sử dụng trong quá trình di chuyển.

Bạn nên thường xuyên vệ sinh phanh ngay tại nhà để tránh tình trạng đất đá bám vào làm mòn phanh xe. Quy trình để vệ sinh phanh ô tô tại nhà rất đơn giản chỉ với các bước sau:

Bước 1: Sử dụng các dụng cụ chuyên dụng vặn lỏng ốc bánh xe và tháo lốp ra khỏi xe.

Bước 2: Tháo các bộ phận của phanh ra riêng biệt để toàn bộ hệ thống phanh trống lộ ra để tiến hành vệ sinh.

Bước 3: Sử dụng các dung dịch chuyên dụng để xịt vào bề mặt phanh, các ngõ ngách, dùng bàn chải nhỏ làm sạch các bộ phận của phanh như mâm phanh, guốc phanh,...Trong quá trình tẩy rửa nếu thấy má phanh mòn nên thay mới để đảm bảo tính an toàn khi sử dụng. 

Bước 4: Dùng khăn lau sạch từng bộ phận rồi tra mỡ vào các chi tiết phanh.

Bước 5: Sau khi vệ sinh xong, tiến hành lắp đặt lại các bộ phận vào vị trí như cũ và sử dụng.

Trong quá trình sử dụng nếu phát hiện hiện tượng bàn đạp phanh mềm hơn bình thường, phanh cứng, phát ra tiếng kêu,..thì nên mang xe đến ngay gara gần nhất để kiểm tra lại và sửa chữa.

9 Bí quyết tự bảo dưỡng xế yêu ngay tại nhà

Kiểm tra phanh thường xuyên để đảm bảo an toàn trong quá trình di chuyển

3. Kiểm tra mức dầu phanh

Dầu phanh còn gọi là dầu thắng là thành phần truyền lực từ bàn đạp phanh qua bơm cao áp chứa dầu đến hệ thống phanh ở bốn bánh xe ô tô. Dầu phanh còn có tác dụng bôi trơn, giảm giảm lực ma sát giúp cho hệ thống phanh có thể hoạt động êm ái và bền bỉ.

Dầu phanh sẽ bị hao mòn qua thời gian sử dụng, với đặc tính hút ẩm, dầu phanh dễ bị nhiễm nước gây ảnh hưởng đến áp suất và hiệu quả phanh, mặt khác qua quá trình hoạt động, hệ thống phanh sẽ ma sát gây ra các muội than làm dầu phanh bị bẩn. Lâu dần sẽ gây ảnh hưởng đến hệ thống phanh ô tô như phanh bị nặng, bị kêu, xe bị mất phanh,...vì thế việc kiểm tra định kỳ lượng dầu phanh và chất lượng dầu trong bình là thực sự cần thiết.

Dấu hiệu nhận biết trong quá trình kiểm tra:

a. Mức dầu phanh trên thân bình chứa dầu:

  • Mức cao nhất (có chữ Fill to, Full hoặc Maximum): tốt
  • Mức thấp nhất (có chữ Add hoặc Minimum): châm thêm dầu.

b. Chất lượng và màu sắc dầu trong bình:

  • Màu vàng nhạt hoặc không màu: tốt
  • Màu đậm hơn (bị ngả màu do sử dụng trong thời gian dài) hoặc có muội than: thay thế dầu phanh mới9 Bí quyết tự bảo dưỡng xế yêu ngay tại nhà

Kiểm tra dầu phanh thường xuyên để đảm bảo chất lượng dầu trong bình

Bạn có thể kiểm tra dầu phanh ngay tại nhà với các bước đơn giản sau:

Bước 1: Sử dụng dụng cụ hút chân không để hút dầu phanh cũ và xả ra xô hoặc bình đã chuẩn bị sẵn, không xả dầu phanh ra sàn vì dầu rất khó làm sạch.

Bước 2: Đổ dầu phanh mới vào bình, sau khi đổ xong thì đóng chặt nắp bình để tránh không khí lọt vào. Lưu ý: mức dầu phanh không nên quá vạch Max và dưới vạch Min.

Bước 3: Cần thêm sự trợ giúp của một người, người thứ nhất vặn chốt xả dầu ở dưới bộ phanh sau. Người thứ hai đạp chân phanh cho bọt dầu còn sót lại trong ống xả ra hết sau đó đóng chốt xả, đạp phanh và mở chốt dầu.

Bước 4: Lặp lại quy trình trên cho đến khi dầu phanh mới chảy ra thì đóng chốt dầu thật chặt và kiểm tra lại lần cuối xem dầu có bị rò rỉ hay không.

Thời gian thay dầu phanh của từng dòng xe được khuyến nghị là từ 2-3 năm.

4. Kiểm tra dầu bôi trơn động cơ

Dầu bôi trơn có vai trò rất quan trọng trong hệ thống vận hành động cơ, việc vận hành xe ở mức dầu thấp có thể làm mức tuổi thọ của động cơ giảm đáng kể. Vì thế bạn nên kiểm tra dầu động cơ ô tô thường xuyên để duy trì lượng dầu ở mức chuẩn, đảm bảo cho sự vận hành của ô tô. Việc kiểm tra dầu động cơ có thể được tiến hành ngay tại nhà chỉ với các bước đơn giản sau:

Bước 1: Mở nắp capo và tìm que thăm dầu động cơ ô tô, kéo que thăm dầu ra khỏi động cơ và lau sạch phần dầu dưới que, sau đó đưa que thăm dầu lại vào ống của nó và đẩy lại vào trong máy như cũ, đảm bảo que thăm dầu ngập sâu hết cỡ, sau đó rút ra và giữ nó ở vị trí nằm ngang.

Bước 2: Kiểm tra bằng mắt thường vị trí của dầu, gần cuối que thăm dầu sẽ có hai vạch, mức dầu lý tưởng nhất là nằm ngay hoặc gần vạch Max – vạch cao nhất, hoặc mức dầu nằm trong khoảng giữa vạch Min và Max thì vẫn là mức tốt và ổn định cho xe. Nếu dầu ở mức tối thiểu, bạn nên thêm dầu để đảm bảo tính vận hành cho xe.

9 Bí quyết tự bảo dưỡng xế yêu ngay tại nhà

Duy trì lượng dầu ở mức chuẩn để đảm bảo cho sự vận hành của ô tô

Lưu ý: Chỉ kiểm tra dầu động cơ khi xe bạn đang đỗ trên mặt đất và hệ thống động cơ đang ngừng hoạt động, tuyệt đối không kiểm tra dầu khi hệ thống động cơ đang nóng.

5. Kiểm tra nước làm mát

Động cơ ô tô có hoạt động tốt hay không phụ thuộc hoàn toàn vào nước làm mát. Việc nước làm mát quá nhiều hay bị hao hụt cũng gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng. Nước làm mát quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng nước dễ bị sôi khi động cơ nóng, nước sẽ dễ bị trào ra bên ngoài gây ảnh hưởng đến các bộ phận khác. Thậm chí có thể gây hư hại máy phát điện, hệ thống đánh lửa cũng như các thiết bị điện khác.

Hụt nước làm mát dễ dẫn đến tình trạng không đủ nước cung cấp cho xe khi bị quá nhiệt, động cơ sẽ không hoạt động được, nặng hơn có thể gây ra rippe máy, vì thế nên kiểm tra nước làm mát định kỳ để duy trì trình trạng nước trong trạng thái ổn định, đảm bảo cung cấp vừa và đủ cho hệ thống động cơ. Mức nước tốt nhất là mức nước nằm trong khoảng “Max” và “Min” khi động cơ đang nguội. Nếu mức nước thấp hơn mức tối thiểu phải châm thêm nước ngay.

9 Bí quyết tự bảo dưỡng xế yêu ngay tại nhà

Duy trì nước làm mát ở mức ổn định để đảm bảo cung cấp vừa và đủ cho động cơ

Quy trình thay nước làm mát tại nhà cho xế hộp:

Bước 1: Xả toàn bộ nước làm mát cũ trong bình chứa:

  • Mở nắp bình chứa, đợi tản nhiệt hết thì dỡ xe, tìm lỗ thoát ở bình và xoay bu lông để nước trong bình chảy vào chậu hứng.
  • Sau khi xả toàn bộ nước trong bình thì đổ nước sạch vào bình, khởi động xe chạy từ 3-5 phút để rửa bình. Sau đó tắt máy, đợi động cơ nguội và tiến hành lại bước như trên để loại bỏ nước ở trong bình.

Bước 2: Pha dung dịch theo hướng dẫn của nhà sản xuất, đọc lại hướng dẫn sử dụng ô tô để biết chính xác lượng nước mát cần dùng cho xe của mình rồi đổ dung dịch vào đầy bình tản nhiệt. Tiếp tục đổ dung dịch vào đầy bình nước phụ rồi để mở nắp bình, cho động cơ chạy cho tới khi dung dịch sủi bọt khí. Lúc này dung dịch sẽ rút dần, bạn chỉ cần đổ thêm dung dịch cho đầy bình phụ và bình tản nhiệt rồi đóng nắp bình lại để hoàn thành quá trình thay nước làm mát cho ô tô của bạn.

6. Kiểm tra lốp

Lốp xe là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với mặt đường vì thế sẽ dễ dẫn đến trình trạng mài mòn sau một thời gian dài sử dụng, sử dụng lốp xe mòn sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình vận hành của xe, giảm độ ma sát khi di chuyển trên đường, dẫn đến nguy hiểm. Thời gian khuyến cáo nên thay lốp là 6 năm, ngoài ra bạn nên theo dõi ngày hết hạn của lốp để biết được tuổi thọ còn lại của lốp xe của mình.

Áp suất lốp cũng là một vấn đề nên được quan tâm khi sử dụng ô tô, áp suất lốp không ổn định có thể dẫn đến tình trạng nổ lốp xe. Hiện nay trên một số dòng xe phổ thông đa số chưa được trang bị sẵn áp suất lốp, vì thế có khá nhiều thiết bị áp suất lốp ra đời như: Steelmate, Icar, Gotech,..để đáp ứng cho bạn nhu cầu theo dõi áp suất lốp xe ngay trên màn hình theo xe hoặc màn hình rời đặt trên Taplo, khi gặp tình trạng áp suất không ổn định nên tìm cách khắc phục ngay để tránh xảy ra các sự cố đáng tiếc.

9 Bí quyết tự bảo dưỡng xế yêu ngay tại nhà

Kiểm tra lốp xe và áp suất lốp thường xuyên để tránh xảy ra các sự cố đáng tiếc

7. Kiểm tra hệ thống đèn xe

Đèn xe ô tô là một hệ thống giúp đảm bảo an toàn khi di chuyển, vì thế hằng ngày nên dành thời gian để kiểm tra toàn bộ hệ thống đèn xe chiếu sáng. Đảm bảo đèn vẫn hoạt động bình thường ở các chế độ pha cos, đạp phanh và kiểm tra hoạt động của hệ thống đèn phanh, kiểm tra hệ thống đèn xinhan, nếu phát hiện đèn nháy quá nhanh hoặc quá chậm với bình thường có nghĩa là hệ thống đèn đang gặp vấn đề. 

9 Bí quyết tự bảo dưỡng xế yêu ngay tại nhà

Đèn xe đóng vai trò quan trọng, đảm bảo sự an toàn khi di chuyển

Đảm bảo được hệ thống đèn xe phải hoạt động được bình thường ở tất cả các vị trí, nếu qua quá trình kiểm tra gặp các vấn đề hư hỏng thì nên đến các gara ô tô gần nhất để được kiểm tra và xử lý ngay.

8. Rửa xe ngay sau khi đi mưa

Trong nước mưa có chứa axit có thể ăn mòn một số chi tiết của ô tô như khung gầm, các chi tiết cơ khí,...thậm chí có thể gây bạc màu sơn xe. Vì thế, ngay sau khi đi mưa về phải lập tức rửa xe để loại bỏ các đất cát bám trên thân xe, đồng thời hạn chế tối đa sự ăn mòn của nước mưa đối với các bộ phận của ô tô.

9 Bí quyết tự bảo dưỡng xế yêu ngay tại nhà

Rửa xe sau khi đi mưa để hạn chế sự ăn mòn của nước mưa đối với các bộ phận trên xe

Để làm sạch hiệu quả và không gây ảnh hưởng đến lớp sơn xe bạn nên sử dụng các dung dịch chuyên dụng như: Turtle High Shine, Waxone Car Shampoo, 3M Glass Cleaner,...với lớp bọt dày, cung cấp lớp bóng phủ bảo vệ chống bám bẩn, lớp tẩy rửa giúp đánh bay những vết bẩn cứng đầu mà không làm ảnh hưởng đến lớp sơn xe.

9. Vệ sinh nội thất xe định kỳ

Nội thất ô tô là không gian sinh hoạt, nơi tiếp xúc thường xuyên và trực tiếp giữa người với xe do đó có thể xảy ra các vấn đề như đồ ăn rơi vãi trên xe không được xử lý triệt để, ẩm ướt ghế nỉ, thảm xe do bị đổ nước,..làm vi khuẩn có điều kiện thuận lợi để sinh sôi, gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta, nhất là những gia đình có con nhỏ, sức đề kháng yếu, là đối tượng dễ bị tấn công nhất của vi khuẩn. Bên cạnh đó, tuổi thọ của những chi tiết như ghế, thảm, trần xe,…sẽ giảm do tiếp xúc trực tiếp với mồ hôi, tia UV,…

9 Bí quyết tự bảo dưỡng xế yêu ngay tại nhà

Vệ sinh nội thất ô tô định kỳ để đảm bảo tuổi thọ cho khoang nội thất

Chúng ta có thể dễ dàng vệ sinh nội thất ô tô tại nhà định kỳ từ 3-6 tháng/lần bằng các dung dịch chuyên dụng như: Liqui Moly Teer-Entferner , Liqui Moly Super K Cleaner,... giúp làm sạch hiệu quả nội thất xe, đồng thời kéo dài tuổi thọ cho khoang nội thất ô tô. Các bước vệ sinh nội thất cho xe:

Bước 1: Hút/phủi bụi cho xe

Bước 2: Lau chùi trần xe

Bước 3: Vệ sinh vô lăng - taplo - bảng điều khiển xe

Bước 4: Tẩy rửa ghế ngồi, cửa xe.

Bước 5: Vệ sinh cốp xe, sàn xe

Bước 6: Dưỡng và kiểm tra toàn bộ nội thất.

Để có thể sử dụng xe ô tô lâu dài, luôn hoạt động ổn định và vận hành êm ái thì việc bảo dưỡng xe ô tô định kỳ là điều hết sức cần thiết. Chỉ với 20 phút/ngày để thực hiện 9 điều trên ngay tại nhà bạn sẽ tiết kiệm một khoản chi phí đáng kể cho việc bảo dưỡng xe ô tô tại gara. Trong quá trình tự bảo dưỡng tại nhà bạn cần hết sức chú ý các vấn đề an toàn để có một quy trình bảo dưỡng có hiệu quả và không làm ảnh hưởng đến các bộ phận trên xe.

Tin tức liên quan
Tư vấn miễn phí
0707 18 38 68
tư vấn ngay
Tư Vấn
chat trực tiếp ngay
Chat ngay
thông tin ô tô hoàng kim
Xem nhiều