banner định hình phong cách - khẳng định chất riêng

09:51 21/12/2024

Adas là gì? Chức năng của adas trên ô tô như thế nào?

Adas là hệ thống hỗ trợ lái xe an toàn được coi là công cụ “hỗ trợ đắc lực” cho người lái có được hành trình thuận tiện và an toàn nhất. Vậy Adas là gì? Có chức năng như thế nào? Nguyên tắc hoạt động như ra sao? Một số thông tin dưới đây sẽ giúp bạn có câu trả lời nhé!

1. ADAS là gì?

Adas (Advanced Driver Assistance Systems) là hệ thống hỗ trợ lái xe nâng cao, bao gồm các công nghệ tiên tiến được thiết kế để hỗ trợ người lái và tăng cường an toàn khi điều khiển phương tiện. Adas sử dụng các cảm biến, camera, radar, phần mềm để giám sát, phát hiện và phản hồi với các tình huống giao thông, giảm thiểu nguy cơ tai nạn và tăng tính tiện nghi khi lái xe.

Adas là gì? Chức năng của adas trên ô tô như thế nào?

Adas -  Hệ thống hỗ trợ lái xe nâng cao

2. Chức năng chính của Adas - Hệ thống hỗ trợ lái xe an toàn

Hệ thống hỗ trợ lái xe an toàn Adas trên ô tô đã được Hiệp hội bảo hiểm an toàn đường bộ Hoa Kỳ chứng minh có thể giảm tỷ lệ tai nạn giao thông, nhờ giảm thiểu khả năng mắc lỗi của tài xế. 

Theo nghiên cứu, hệ thống tránh va chạm có thể giảm 27% tai nạn ô tô từ phía sau, hệ thống cảnh báo đi lệch làn đường có thể giảm đến 21% vụ tai nạn giao thông thương vong và giảm 14% va chạm trong làn đường nhờ vào hệ thống phát hiện điểm mù.

Hệ thống Adas có nhiều chức năng khác nhau, được chia thành hai nhóm chính gồm:

2.1. Nhóm chức năng an toàn

  • Phát hiện và cảnh báo va chạm: Hệ thống cảnh báo người lái khi có nguy cơ xảy ra va chạm với phương tiện, người đi bộ, hoặc chướng ngại vật phía trước.
  • Phanh khẩn cấp tự động: Tự động kích hoạt phanh để giảm tốc độ hoặc dừng xe khi nhận thấy nguy cơ va chạm.
  • Cảnh báo chệch làn đường: Cảnh báo người lái khi xe lệch khỏi làn đường mà không bật tín hiệu xi-nhan.
  • Hỗ trợ giữ làn đường: Hệ thống điều chỉnh vô lăng nhẹ nhàng để giữ xe đi đúng làn đường.
  • Phát hiện điểm mù: Cảnh báo khi có phương tiện xuất hiện ở điểm mù của xe.

2.2. Nhóm chức năng tiện ích

  • Hỗ trợ đỗ xe tự động: Hướng dẫn hoặc tự động điều khiển xe vào chỗ đỗ.
  • Kiểm soát hành trình thích ứng: Duy trì tốc độ xe và tự động điều chỉnh khoảng cách với xe phía trước.
  • Nhận diện biển báo giao thông: Phát hiện và hiển thị biển báo giao thông trên màn hình hỗ trợ người lái quan sát và chủ động xử lý.
  • Hỗ trợ lái xe ban đêm: Hệ thống sử dụng cảm biến hồng ngoại để tăng khả năng nhìn thấy vật thể vào ban đêm.

Adas là gì? Chức năng của adas trên ô tô như thế nào?

Hệ thống Adas giúp giảm thiểu tình trạng va chạm khi tham gia giao thông

3. Nguyên lý hoạt động của hệ thống hỗ trợ lái xe an toàn Adas

Hệ thống hỗ trợ lái xe nâng cao Adas hoạt động theo nguyên lý sau:

  • Thu thập dữ liệu từ môi trường: Hệ thống Adas sử dụng nhiều loại cảm biến và thiết bị để thu thập thông tin, bao gồm: cảm biến siêu âm, camera, radar, GPS,... để phát hiện các vật thể xung quanh xe.
  • Phân tích dữ liệu: Bộ điều khiển điện tử (ECU) hoặc bộ xử lý trung tâm nhận dữ liệu từ các cảm biến, camera và tiến hành phân tích thông tin, xác định các mối nguy hiểm hoặc tình huống cần hỗ trợ người lái.
  • Phản hồi cho người lái hoặc tự động can thiệp: Dựa trên dữ liệu đã xử lý, hệ thống Adas thực hiện một trong hai hành động là cảnh báo cho người lái hoặc tự động can thiệp trong những trường hợp khẩn cấp như: Phanh khẩn cấp, điều khiển tay lái, tăng hoặc giảm tốc,...

4. Các công nghệ chính trong Adas

Các công nghệ hiện đại được ứng dụng hệ thống hỗ trợ lái xe an toàn ô tô gồm:

  • Radar: Phát hiện vật thể từ xa (lên đến 250m), hoạt động tốt trong điều kiện thời tiết xấu.
  • Camera: Xác định hình ảnh chi tiết, nhận diện biển báo, người đi bộ và làn đường.
  • LiDAR: Cho độ chính xác cao khi quét không gian 3D.
  • Hệ thống GPS: Xác định vị trí xe và hỗ trợ định vị.
  • Bộ xử lý AI: Xử lý dữ liệu từ cảm biến và đưa ra quyết định nhanh chóng.

Adas là gì? Chức năng của adas trên ô tô như thế nào?

Công nghệ Adas giúp hỗ trợ rất nhiều cho tài xe khi lái xe

5. Lợi ích khi lắp hệ thống Adas cho ô tô

Adas là tính năng hỗ trợ lái xe an toàn, việc lắp đặt hệ thống này cho xe giúp mang lại những lợi ích như:

  • Tăng cường an toàn: Giảm thiểu nguy cơ tai nạn nhờ cảnh báo sớm và hỗ trợ tự động. Đặc biệt là hỗ trợ người lái phản ứng nhanh trong các tình huống khẩn cấp.
  • Tạo cảm giác thoải mái khi lái xe: Hệ thống sẽ hỗ trợ giữ làn, kiểm soát hành trình giúp người lái thoải mái hơn trong các chuyến đi dài và dễ dàng đỗ xe trong không gian chật hẹp.
  • Tiết kiệm chi phí: Giảm nguy cơ va chạm đồng nghĩa với việc giảm chi phí sửa chữa và bảo hiểm xe.

6. Hệ thống hỗ trợ lái xe an toàn có thật sự hiệu quả?

Hầu hết các dòng xe cỡ C, D trở lên sẽ có hệ thống Adas. Tuy nhiên, khi sử dụng cũng xảy ra những rủi ro ngoài ý muốn, dưới đây là những vấn đề cần hiểu rõ về Adas:

Hiệu quả phụ thuộc vào điều kiện thực tế

Trong điều kiện mưa lớn, sương mù hoặc tuyết, cảm biến và camera có thể không hoạt động hiệu quả, làm giảm độ chính xác của hệ thống. 

Một số hệ thống gặp khó khăn khi nhận diện các tình huống phức tạp như người đi bộ ở nơi tối hoặc vật thể nhỏ trên đường,...

Phanh tự động không phải lúc nào cũng được kích hoạt khi phát hiện vật thể phía trước

Phanh tự động khi phát hiện vật cản sẽ được kích hoạt, với điều kiện là tài xế đang trong trạng thái không nhấn phanh. Nếu tài xế rà phanh, hệ thống sẽ tự hiểu rằng tốc độ của xe đang dưới toàn quyền kiểm soát của tài xế, do đó hệ thống không can thiệp. 

Hệ thống không thể phát hiện xe phía trước đứng im

Một số dòng xe, hệ thống hỗ trợ lái xe an toàn không có khả năng phát hiện vật thể đứng yên, có thể khiến tính năng này bị hủy bỏ khi có xe dừng đỗ phía trước đường đi.

Trên đây là những tính năng của hệ thống hỗ trợ lái xe an toàn Adas và những lưu ý sử dụng cho bạn tham khảo. Adas vẫn chỉ là tính năng hỗ trợ, vì thế người dùng cần phải hiểu rõ và vận hành đúng cách, không được quá lạm dụng để đảm bảo an toàn và hỗ trợ tối đa cho mọi chuyến hành trình.

collapse toc ion
Xem nhanh
Nội dung bài viết
toc toggle icon