Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới tuyệt đối không được tự ý đóng cửa, dừng phục vụ nhu cầu kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm sẽ thực hiện kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa chỉ đạo các Trung tâm đăng kiểm trên cả nước về việc nâng cao vai trò trách nhiệm trong công tác kiểm định ATKT & BVMT phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi đi kiểm định.
Nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu kiểm định xe cơ giới trong dịp gần Tết và trong bối cảnh một số Trung tâm đăng kiểm bị tạm dừng hoạt động, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có văn bản số 5239/ĐKVN-VAR ngày 26/12/2022 chỉ đạo các Trung tâm đăng kiểm nâng cao vai trò trách nhiệm, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu kiểm định phương tiện của nhân dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng và của người dân vẫn tồn tại tình trạng ùn ứ, xếp hàng dài tại các đơn vị đăng kiểm.
Để từng bước khắc phục tình trạng nêu trên, ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, Cục vừa ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới tuyệt đối không được tự ý đóng cửa, dừng phục vụ nhu cầu kiểm định xe cơ giới.
"Cục Đăng kiểm sẽ thực hiện kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm", ông An khẳng định.
Theo ông An, với phương tiện có các hạng mục kiểm tra được đánh giá thuộc khiếm khuyết, hư hỏng không quan trọng, không ảnh hưởng tới an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, các đơn vị đăng kiểm cấp Giấy Chứng nhận ATKT&BVMT theo đúng quy định tại Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT.
Cục Đăng kiểm Việt Nam yêu cầu các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới thực hiện niêm yết công khai danh sách các hạng mục này dưới dạng bảng thông báo nền bảng trắng hoặc xanh, chữ mầu xanh hoặc trắng (hoặc bảng điện tử), vị trí treo dễ thấy, dễ đọc tại nơi chờ làm thủ tục kiểm định; thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông để người dân và doanh nghiệp nắm được.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng giao Phòng Kiểm định xe cơ giới bổ sung hướng dẫn trên Cổng thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong đó khuyến cáo rõ chủ xe cần chủ động đăng ký lịch kiểm định; chủ động kiểm tra, bảo dưỡng xe trước khi đưa xe đi kiểm định để hạn chế nội dung không đạt, phải kiểm định nhiều lần gây quá tải, ách tắc tại các đơn vị đăng kiểm.
"Cục Đăng kiểm Việt Nam yêu cầu Thủ trưởng các Đơn vị đăng kiểm xe cơ giới nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc đề nghị kịp thời báo cáo Cục Đăng kiểm Việt Nam (thông qua Phòng Kiểm định xe cơ giới).
Trao đổi với Dân Việt dưới góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Lê Hồng Quân - Chủ nhiệm khoa Công nghệ ô tô, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết: "Khi sản xuất, các chuyên gia, nhà thiết kế đã nghiên cứu kỹ lưỡng và thử nghiệm xe ở những điều kiện vận hành thực tế khác nhau để tạo ra một hình dáng chuẩn, đảm bảo an toàn của một chiếc xe.
Do đó, việc tự ý thay đổi chỉ vì tính thẩm mỹ là việc không nên vì sẽ làm giảm độ nhận diện, thiết kế được nghiên cứu sẽ dẫn đến việc thiếu an toàn của xe. Nhà sản xuất đăng ký với Cục Đăng kiểm thế nào thì người dùng nên để yên như thế sử dụng".
Trước đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam báo cáo Bộ GTVT về việc nghiên cứu sửa đổi thủ tục kiểm định lần đầu đối với các xe ô tô được sản xuất lắp ráp, nhập khẩu mới, chưa qua sử dụng.
Theo đó, xe ô tô kiểm định trong thời gian một năm tính từ năm sản xuất xe theo hướng chỉ thực hiện lập hồ sơ phương tiện, nhập, ghi nhận thông tin phương tiện trong cơ sở dữ liệu đăng kiểm và cấp giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định cho phương tiện để tham gia giao thông theo quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008; không thu giá dịch vụ kiểm định.
Về việc nghiên cứu quy định, thời hạn bảo hành và thời gian lưu kho, lưu bãi trước khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất áp dụng đối với phương tiện thực hiện kiểm định trong thời gian 1 năm kể từ năm sản xuất.
Bởi lẽ, việc lưu kho, lưu bãi trong thời gian dài sẽ gây ra hư hỏng, hao mòn, giảm đặc tính kỹ thuật đối với nhiều chi tiết trên ô tô như nhựa, cao su, dầu bôi trơn, cấu kiện điện tử…