Tổ chức Reputation có trụ sở tại California vừa tiết lộ kết quả của báo cáo độ uy tín của các hãng ô tô năm 2022. Dữ liệu cho thấy trải nghiệm lái và chất lượng của ô tô có thể nhanh chóng bị ảnh hưởng bởi các đại lý yếu kém. Đó là lý do tại sao Reputation đã phân tích 20.000 đại lý ở Mỹ và Canada, 35.000 đại lý trên toàn cầu, đồng thời rà soát 5 triệu xếp hạng và đánh giá về đại lý ô tô.
Mỗi nhà sản xuất ô tô đều nhận được một mức điểm tổng thể về độ uy tín. Năm nay, Lexus, Infiniti, Subaru và BMW nằm trong top đầu tại Mỹ. So với tất cả các thương hiệu khác, Tesla chỉ đạt mức điểm "ảm đạm" mặc dù doanh số bán hàng tăng vọt trong năm 2022.
Chỉ số uy tín có số điểm tối đa là 1.000, bao gồm các tiêu chí như mức độ hiển thị, cảm tình của khách hàng và mức độ tương tác giữa nhà sản xuất và khách hàng. Ngoài ra, chỉ số này còn dựa trên hàng nghìn cuộc trò chuyện của khách hàng diễn ra trên phương tiện truyền thông xã hội, trang web đánh giá và trong các cuộc khảo sát.
Các bài đánh giá có ý nghĩa rất quan trọng vì 70% người tiêu dùng nói rằng họ vẫn sẽ chấp nhận đi đường xa để đến một đại lý mua xe nếu cơ sở này có số điểm cao về độ tin cậy. Xét về các thương hiệu "bình dân" tại Mỹ, Subaru đứng đầu với số điểm uy tín là 698.
Xếp hạng hàng đầu của Subaru phù hợp với một nghiên cứu riêng biệt về mức độ tận tâm của các thương hiệu ô tô đến từ tổ chức dữ liệu J.D. Power (có trụ sở tại Mỹ vào năm ngoái). Theo nghiên cứu này, thương hiệu Nhật Bản cũng có vị trí cao nhất trong số các thương hiệu thị trường.
Mặc dù Subaru đã chứng kiến doanh số đáng thất vọng với chiếc sedan WRX thế hệ mới của họ, nhưng những mẫu crossover có cấu trúc chắc chắn của thương hiệu như Forester rõ ràng đang làm tốt công việc của nó. Đồng thời, các đại lý của Subaru cũng được nhiều khách hàng tin cậy.
Theo sau Subaru trong bảng xếp hạng uy tín dành cho các thương hiệu không sang trọng tại Mỹ là Mitsubishi (689 điểm), hãng đã có sự gia tăng vượt bậc so với năm 2020 khi chỉ xếp thứ 17 trong cùng một nghiên cứu. Tiếp theo là Toyota (679), Nissan (675), Honda (667) và Kia (653). Điều này chỉ ra rằng các thương hiệu Nhật Bản đang tiếp tục thống trị trên top đầu bảng xếp hạng.
Xếp cuối danh sách xe "bình dân" là Ram (610), Jeep (609), Chrysler (609), Dodge (608) và Fiat (607). Tất cả các thương hiệu này đều nằm dưới sự bảo trợ của nhà sản xuất Stellantis.
Ở hạng mục dành cho các thương hiệu sang trọng của Mỹ, Lexus đứng đầu với 749 điểm, nhiều nhất khi so với bất kỳ thương hiệu nào khác. Sự nhất quán của Lexus trong việc cung cấp cho người mua trải nghiệm sử dụng đẳng cấp hàng đầu từ mẫu crossover nhỏ gọn UX cỡ nhỏ đến chiếc SUV cỡ lớn là cực kỳ ấn tượng.
Theo sau Lexus là Infiniti (728), BMW (696), Porsche (681) và Acura (670). Năm nay, Tesla tiếp tục gây sốc khi có mức điểm kém nhất, chỉ với 456 điểm. Các chuyên gia cho rằng do đội ngũ chuyên về quan hệ công chúng của thương hiệu Mỹ bị giải tán là lí do khiến họ không đạt chỉ số về tương tác, cảm tình và khả năng hiển thị như mong muốn. Cùng với đó, Tesla cũng hoạt động kém ở các thị trường lớn khác như Canada và Anh.
Danh tiếng của Tesla cũng đã bị ảnh hưởng vài lần chỉ trong năm nay. Một nhóm chủ sở hữu giận dữ ở Na Uy đã tổ chức một cuộc biểu tình sau khi gặp phải một số vấn đề với chiếc EV của Tesla khi hệ thống lái tự động Autopilot chưa thể làm hài lòng khách hàng. Dựa trên điểm số của nghiên cứu này, việc Tesla không thể tương tác đầy đủ với khách hàng sẽ là thách thức lớn của thương hiệu Mỹ.
Đối với xe điện nói chung, số lượng bài đánh giá đang tăng lên khi ngày càng có nhiều người từ bỏ sử dụng phương tiện động cơ đốt trong. Tuy nhiên, sự gián đoạn chuỗi cung ứng liên tục đã dẫn tới thiếu hụt sản phẩm, khiến người mua thất vọng.
Tóm lại, tổ chức Reputation khuyên các thương hiệu và đại lý rằng họ nên thực hiện một cách tiếp cận toàn diện và mang lại trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng ở mọi điểm tiếp xúc chứ không chỉ khi họ ngồi sau tay lái. Điều này sẽ khiến số điểm của họ tăng lên trong các năm tới.