Phim cách nhiệt có công năng chính là làm chậm quá trình nóng lên của cabin xe theo hai con đường bức xạ và truyền nhiệt.
Bản chất của phim cách nhiệt là làm chậm quá trình hấp thụ nhiệt qua các tấm kính xe, tuy nhiên, những chỗ không có phim cách nhiệt như mui xe, nắp capo vẫn hấp thụ 100% bức xạ nhiệt của mặt trời. Phim của một số hãng uy tín có thể ngăn cản 60% nhiệt lượng của mặt trời xuyên qua kính.
Điều đó có nghĩa rằng, một phần bức xạ vẫn lọt vào bên trong xe. Khoảng 40% nhiệt lượng xuyên qua kính cộng với nhiệt truyền từ mui xe xuống sẽ làm xe nóng lên đáng kể. Do đó, dù đã dán phim cách nhiệt thì tài xế vẫn nên che bạt khi đỗ xe dưới trời nắng lâu.
Phim cách nhiệt ít tác dụng khi để xe quá lâu dưới trời nắng. Dù cản bức xạ, nhưng một phần nhiệt nóng vẫn xâm nhập vào trong xe. Phơi nắng đủ dài, thời gian phơi nắng khoảng trên 3 giờ đồng hồ, cabin vẫn rất nóng dù kính dán phim hay không.
Thực tế, phim cách nhiệt khiến nhiều tay lái mất niềm tin và nghĩ rằng chúng rất “thần kỳ”. Một khi nhiệt nóng lọt vào, xe có dán phim thường thoát nhiệt lâu hơn xe không dán. Lúc mở cửa, hơi nóng từ bên ngoài ập vào người gây cảm giác rất khó chịu.
Chúng chỉ có tác dụng làm chậm quá trình truyền nhiệt, vì thế nó không giúp xe mát hơn so với không khí bên ngoài. Nếu không sử dụng điều hòa, sau một thời gian cabin sẽ nóng hơn bên ngoài do hiệu ứng nhà kính, không khí không được đối lưu.
Bên cạnh đó, khi mua phải loại phim chống nắng giá rẻ, chất lượng kém có thể ảnh hưởng đến khả năng quan sát của lái xe. Nguyên nhân nằm ở lớp keo dính, phim chất lượng kém có lớp keo không bền, thường bị biến dạng hoặc phân bổ không đều sau khi dán. Sự không đồng nhất của keo gây ra hiện tượng khúc xạ ánh sáng hoặc làm méo hình.